Phương pháp phẫu thuật điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) không phải là một căn bệnh khó chữa. Việc điều trị nội khoa bằng thuốc kết hợp với thay đổi lối sống mang lại những hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp, chẳng hạn như bị trào ngược dạ dày mạn tính, không tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ,… có thể khiến bệnh nhân lâu khỏi và dai dẳng.
Trong những trường hợp như vậy, bệnh nhân có thể sẽ được chỉ định phẫu thuật dạ dày. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin về những phương pháp phẫu thuật trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản.
Mục lục
- Trào ngược dạ dày thực quản là gì?
- Các cấp độ trào ngược dạ dày thực quản
- Khi nào nên phẫu thuật trào ngược dạ dày thực quản?
- Các phương pháp phẫu thuật trào ngược dạ dày thực quản
- Ưu điểm và nhược điểm của phẫu thuật điều trị GERD
- Biến chứng sau phẫu thuật
- Cần làm gì trước khi phẫu thuật?
- Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật?
- Phẫu thuật điều trị trào ngược dạ dày hết bao nhiêu tiền?
Trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Nếu tình trạng trào ngược xảy ra ít thì có thể không gây vấn đề gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu kéo dài nhiều ngày sẽ gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản mãn tính khiến bệnh nhân gặp phải khá nhiều phiền toái.
Lâu dần, tình trạng bệnh sẽ tiến triển ngày càng nặng hơn và gây ra những biến chứng nghiêm trọng như: viêm loét dạ dày thực quản, hẹp thực quản,…
Các cấp độ trào ngược dạ dày thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản được phân chia thành các cấp độ: 0, A, B, C, D.
Cấp độ 0: Trào ngược dạ dày thực quản cấp độ 0 là nhẹ nhất trong các cấp độ của bệnh. Ở cấp độ này, tần suất trào ngược còn ít, thỉnh thoảng bệnh nhân sẽ cảm thấy ợ hơi, nóng rát sau xương ức.
Các triệu chứng này chưa gây ảnh hưởng nhiều đến dạ dày, thực quản. Vì thế, dạ dày thực quản chưa bị tổn thương nghiêm trọng gì cả.
Cấp độ A: Ở cấp độ này, các triệu chứng của bệnh xuất hiện rõ ràng hơn. Hầu hết bệnh nhân phát hiện ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở giai đoạn này. Tần suất các cơn trào ngược nhiều hơn. Điều này đã làm tổn thương nhẹ niêm mạc dạ dày, thực quản.
Khi ở giai đoạn này, bạn có thể thường xuyên cảm thấy ợ hơi, ợ chua, nóng rát sau xương ức. Tuy nhiên, các dấu hiệu này không gây trở ngại gì cho việc ăn uống của bạn cả.
Cấp độ B: Trào ngược dạ dày thực quản cấp độ A nếu không được điều trị hiệu quả thì tình trạng bệnh có thể nặng hơn và chuyển sang cấp độ B.
Bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu hơn vì acid dịch vị trào ngược liên tục. Chúng ăn mòn dần niêm mạc dạ dày thực quản và gây ra những vết trợt trên niêm mạc.
Các vết trợt này dài hơn 5mm, có thể nằm rải rác hoặc hội tụ lại với nhau. Bệnh nhân có thể cảm thấy đau bụng và khó nuốt, nghẹn khi ăn.
Khi các vết trợt lành lại và hình thành mô sẹo có thể gây chít hẹp thực quản. Các dấu hiệu lúc này có thể ngày càng xuất hiện nhiều và trầm trọng hơn.
Cấp độ C: Acid dịch vị trào ngược và tiếp xúc liên tục với niêm mạc thực quản đã làm thay đổi thành phần và màu sắc của tế lót thực quản. Đây gọi là hiện tượng Barrett thực quản.
Các vết loét ngày càng rộng hơn làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Những triệu chứng bệnh nhân gặp phải trong cấp độ này là ợ hơi, ợ chua, đau tức ngực, nôn ra máu, đi ngoài phân đen,…
Cấp độ D: Đây là giai đoạn nghiêm trọng nhất của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Các vết loét lan rộng, niêm mạc dạ dày thực quản bị tổn thương rất nặng.
Các triệu chứng của bệnh ở các giai đoạn trước gặp phải xuất hiện rầm rộ hơn. Bệnh nhân luôn cảm thấy ợ chua, đau tức ngực, đau bụng,… Nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời thì có thể gặp phải nguy cơ bị ung thư thực quản
Dựa vào sự phân độ trào ngược dạ dày thực quản, bệnh nhân có thể dự đoán được tình trạng của mình có nghiêm trọng không.
Nó cũng giúp ích cho việc chẩn đoán bệnh của bác sĩ. Kết hợp kết quả nội soi dạ dày thực quản với những triệu chứng của bệnh nhân gặp phải, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Xem thêm: Triệu chứng cảnh báo trào ngược dạ dày nặng
Khi nào nên phẫu thuật trào ngược dạ dày thực quản?
Thông thường, bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản các bác sĩ sẽ tư vấn cách thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt để kiểm soát triệu chứng do trào ngược dạ dày gây ra. Nếu không hiệu quả bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân sử dụng một số thuốc chống trào ngược. Khi thuốc cũng không có tác dụng giảm bớt triệu chứng do trào ngược gây ra bác sĩ sẽ tư vấn giải pháp cuối cùng là phẫu thuật.
Mặc dù phẫu thuật giúp kiểm soát các triệu chứng tốt hơn, tuy nhiên các triệu chứng sau phẫu thuật vẫn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, cũng có thể nảy sinh một số biến chứng sau phẫu thuật. Vì thế, để quyết định có nên phẫu thuật hay không đòi hỏi bác sĩ phải có một sự xem xét kỹ càng về những mặt lợi và hại mà nó mang lại, đồng thời phải có sự chấp thuận của bệnh nhân.
Ngoài ra không phải bất cứ bệnh nhân nào cũng có thể phẫu thuật trào ngược dạ dày. Bác sĩ sẽ là người quyết định ai nên phẫu thuật trào ngược dạ dày, ai nên tiếp tục sử dụng thuốc.
Chỉ định
- Những người bị bệnh trào ngược dạ dày lâu ngày có các triệu chứng nghiêm trọng, đã được điều trị nội khoa ít nhất 6 tháng nhưng không mang lại hiệu quả.
- Người có các biến chứng do GERD gây ra: viêm thực quản nặng, hẹp thực quản lành tính, thực quản Barrett, tổn thương thực quản lan tỏa.
Chống chỉ định
- Người bị ung thư dạ dày, thực quản
- Người già yếu, sức khỏe kém, có nhiều bệnh lý kèm theo
- Cổ chướng
- Thoát vị thành bụng, thoát vị rốn
- Nhiễm khuẩn thành bụng
- Rối loạn đông máu
Các phương pháp phẫu thuật trào ngược dạ dày thực quản
1. Phẫu thuật tạo nếp gấp đáy vị
Phương pháp này sử dụng phần đáy vị của dạ dày để tạo thành một vòng nếp gấp bao quanh bên ngoài vùng thực quản dưới. Điều này sẽ giúp thắt chặt cơ vòng thực quản dưới.
Ưu điểm của phẫu thuật này là có thể làm giảm các triệu chứng tốt hơn và lâu dài hơn với việc điều trị nội khoa. Những biến cố bất lợi gặp phải ít và cũng không có mấy bệnh nhân phải tiến hành phẫu thuật lại. Với phương pháp này, bạn có được lựa chọn phẫu thuật mở bụng hoặc nội soi.
Phương pháp phẫu thuật nội soi vẫn được khuyến cáo hơn vì ít xâm lấn hơn, vết mổ sẽ mau lành hơn.
Bao gồm 3 dạng phẫu thuật là:
Phẫu thuật Nissen
Phương pháp này sử dụng phần đáy vị của dạ dày để tạo thành một vòng nếp gấp bao quanh bên ngoài vùng thực quản dưới. Điều này sẽ giúp thắt chặt cơ vòng thực quản dưới.
Phẫu thuật Toupet
Phương pháp này cũng giống như phương pháp Nissen, sử dụng một phần của dạ dày để tạo thành nếp gấp bao quanh vùng thực quản dưới, chỉ khác là nó ở phía sau.
Phẫu thuật Belsey Mark IV
Phương pháp này tạo nếp gấp đáy vị vào thực quản bằng cách tiếp cận qua lồng ngực để hình dung thực quản và tạo nếp gấp ở phía trước. Phẫu thuật này thường được thực hiện ở bệnh nhân có nhu động thực quản yếu, béo phì hoặc thực quản ngắn.
Các phương pháp tạo nếp gấp ở trên có thể thực hiện mở bụng hoặc nội soi. Phương pháp phẫu thuật nội soi vẫn được khuyến cáo hơn vì ít xâm lấn hơn, vết mổ sẽ mau lành hơn.
2. Phẫu thuật tăng cường cơ thắt thực quản dưới (Linx)
Phương pháp này sử dụng thiết bị là một vòng titan nhỏ. Vòng này được tạo nên bằng cách cho một loạt các hạt titan nối với dây titan có lõi từ. Bằng phương pháp phẫu thuật nội soi, bác sĩ phẫu thuật sẽ đặt vòng này quanh thực quản. Điều này làm tăng cường trương lực cho cơ thắt thực quản dưới. giúp nó hoạt động tốt hơn, hạn chế tình trạng trào ngược.
3. Thủ thuật Stretta
Thủ thuật này sử dụng năng lượng được tạo ra từ điện cực gắn trên ống nội soi để làm nóng các vị trí khác nhau trên cơ thắt thực quản dưới và cơ dạ dày. Kết quả là các cơ sẽ được thắt chặt lại và được tăng cường. Đây là một phương pháp hiệu quả cho những bệnh nhân có áp lực cơ thắt thực quản dưới tăng cao.
4. Phẫu thuật nội soi qua đường miệng (TIF)
Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị gọi là EsophyX. Đó là một thiết bị khá an toàn và hiệu quả dành cho người trào ngược dạ dày thực quản.
Nhờ đó có thể hạn chế được sự trào ngược của acid dịch vị dạ dày lên thực quản. Điều này sẽ làm giảm bớt một số triệu chứng của bệnh.
Phương pháp phẫu thuật này có thể sử dụng cho những bệnh nhân có các triệu chứng điển hình của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, với những bệnh nhân gặp phải các biến chứng như Barrett thực quản, viêm thực quản, xơ cứng bì thì không thể áp dụng kỹ thuật này.
Ưu điểm của phương pháp này là không cần phải rạch, do đó bệnh nhân sẽ phục hồi nhanh chóng. Những biến chứng gặp phải sau phẫu thuật này cũng ít hơn so với những phương pháp khác.
Video mô phỏng Phẫu thuật nội soi qua đường miệng (TIF)
5. Nội soi khâu tăng cường cơ vòng thực quản dưới
Dùng hệ thống phẫu thuật Bard EndoCinch, thiết bị nội soi được sử dụng để khâu các mũi tại cơ vòng thực quản dưới thành nếp gấp ngăn axit dạ dày trào ngược. Phương pháp này ít phổ biến hơn các phương pháp phía trên, nhưng vẫn được cân nhắc trong trường hợp cần thiết.
Tham khảo: Các phương pháp điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Ưu điểm và nhược điểm của phẫu thuật điều trị GERD
Ưu điểm
- Không cần phải sử dụng thuốc kéo dài, do đó tránh được những tác dụng không mong muốn của thuốc gây ra
- Ngăn chặn được những biến chứng có thể có của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
- Rút ngắn thời gian điều trị bệnh, khỏi nhanh.
Nhược điểm
- Chi phí tốn kém
- Có thể để lại một số biến chứng sau phẫu thuật như hẹp thực quản do van thắt quá chặt, viêm phúc mạc do thủng thực quản, hoặc có thể tái phát trở lại do van quá rộng.
- Cần nghỉ ngơi lâu dài ( khoảng 6 tuần) sau phẫu thuật để mới có thể làm việc, sinh hoạt bình thường
Biến chứng sau phẫu thuật
Các kĩ thuật ngày càng tiên tiến và hiện đại. Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra một số biến chứng khi phẫu thuật, bao gồm:
- Nhiễm trùng vết mổ
- Chứng khó nuốt
- Ợ chua, đầy hơi
- Chấn thương dạ dày
- Tràn khí màng phổi, viêm phổi
Các biến chứng gặp phải có thể nhẹ đến nặng. Chúng có thể được cải thiện bằng cách ăn kiêng một thời gian hoặc sử dụng một vài loại thuốc nào đó. Tốt nhất nếu ai đó gặp phải bất kỳ dấu hiệu khó chịu nào sau phẫu thuật thì nên nói với bác sĩ chuyên khoa để có biện pháp xử trí kịp thời.
Cần làm gì trước khi phẫu thuật?
Để có thể tiến hành một cuộc phẫu thuật điều trị trào ngược dạ dày thực quản thuận lợi và thành công, các bạn hãy lưu ý một số vấn đề sau:
- Thực hiện chế độ ăn lỏng một vài ngày trước khi tiến hành phẫu thuật
- Nhịn ăn trong ngày thực hiện phẫu thuật.
- Sử dụng thuốc để làm sạch ruột trước khi phẫu thuật
Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật?
Bệnh nhân sau khi phẫu thuật cần được nghỉ ngơi hợp lý để nhanh chóng phục hồi. Người nhà cần thực hiện chế độ ăn lỏng cho bệnh nhân vào những ngày đầu, sau đó chuyển dần sang ăn thức ăn mềm, dễ nuốt trong những tuần tiếp theo.
Cháo loãng, canh, sữa, phở mềm, nước ép trái cây, thức ăn xay nhuyễn,… là những món ăn phù hợp cho người vừa mới phẫu thuật xong. Trong trường hợp bệnh nhân không thể ăn được thì phương pháp truyền dịch qua đường tĩnh mạch có thể được áp dụng.
Đồng thời, bệnh nhân cần phải có một lối sống lành mạnh để tránh tái phát về sau.
- Tránh ăn các thực phẩm, đồ uống có tính acid như cam, chanh, bưởi chua,…
- Không sử dụng đồ uống chứa cồn như rượu bia, không hút thuốc, hạn chế uống cà phê, không dùng các chất kích thích
- Không ăn thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn chua cay
- Ăn uống đúng giờ, ăn nhiều bữa, tránh ăn quá nhiều một lúc, tránh nhịn bữa sáng hoặc ăn đêm
- Ngủ đủ giấc, kê đầu cao khi ngủ
- Giữ tâm trạng thoải mái
- Tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên
Trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật, người nhà cần đặc biệt chú ý theo dõi, nhắc nhở bệnh nhân tuân thủ chỉ định điều trị và lời khuyên của bác sĩ. Nếu có bất cứ vấn đề gì, người nhà cần liên lạc với bác sĩ để có biện pháp xử trí kịp thời, khắc phục những biến chứng hậu phẫu.
Phẫu thuật điều trị trào ngược dạ dày hết bao nhiêu tiền?
Đây có lẽ là câu hỏi của rất nhiều bệnh nhân khi có ý định phẫu thuật để điều trị căn bệnh này. Mức giá dành cho mỗi người là không giống nhau. Nó tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng người, phương pháp phẫu thuật, cơ sở y tế định tiến hành phẫu thuật, các dịch vụ đi kèm,…
Để có thể tiết kiệm chi phí mà vẫn an toàn, hiệu quả, bạn hãy tìm hiểu thêm các thông tin về các cơ sở uy tín và các loại hình dịch vụ, kỹ thuật để có được quyết định lựa chọn đúng đắn.
Nên phẫu thuật ở đâu?
Dưới đây là một vài cơ sở uy tín có giá khám và điều trị khá hợp lý. Bạn có thể tham khảo:
Miền Bắc:
- Bệnh viện hữu nghị Việt Đức (40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
- Bệnh viện Bạch Mai (78 đường Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội)
- Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Miền Trung:
- Bệnh viện Trung ương Huế (16 Lê Lợi – Tp. Huế)
- Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng (124 Hải Phòng, Hải Châu, Đà Nẵng)
Miền Nam:
Bệnh viện Chợ Rẫy (201B Nguyễn Chí Thanh, p.12, q.5, Tp.HCM)
Bệnh viện Đại học Y dược Tp.HCM
- Cơ sở 1: Đa khoa – 215 Hồng Bàng, P.11, Q.5, Tp.HCM
- Cơ sở 2: Đa khoa – 201 Nguyễn Chí Thanh, Q.5, Tp.HCM
- Cơ sở 3: 221B Hoàng Văn Thụ, P.8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
- Cơ sở 4: 20-22 Dương Quang Trung, P.12, Q.10, Tp.HCM
☛ Xem tham khảo: Địa chỉ khám chữa dạ dày thực quản uy tín
Lời kết
Phẫu thuật điều trị trào ngược dạ dày thực quản là một phương pháp điều trị đã được áp dụng từ lâu. Nếu như điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả thì đây quả là một giải pháp tuyệt vời cho rất nhiều người. Hy vọng rằng những thông tin phía trên có thể giúp cho bạn có được những lựa chọn đúng đắn.
Tài liệu tham khảo:
- https://journals.lww.com/md-journal/Fulltext/2017/01060/Laparoscopic_revision_surgery_for_gastroesophageal.45.aspx
- https://www.mayoclinic.org/medical-professionals/digestive-diseases/news/endoscopic-fundoplication-bridges-gap-in-gerd-management/mac-20429858
- Ngô Quý Châu (2015). Cẩm nang điều trị nội khoa, Nhà xuất bản đại học Huế: https://drive.google.com/file/d/1NFTU4tWDDfcBEOLXCtnjoZdieYLpvUrC/view