Loét dạ dày tá tràng là bệnh gì? Điều trị như thế nào?

Loét dạ dày tá tràng rất phổ biến trong cộng đồng. Bệnh có thể tiến triển âm thầm không gây triệu chứng, nhưng cũng có khả năng gây nhiều khó chịu thậm chí biến chứng nguy hiểm như thủng ổ loét, xuất huyết tiêu hóa hoặc ung thư dạ dày.  

Dạ dày và tá tràng có vai trò gì?

Dạ dày

Dạ dày là phần rộng nhất của ống tiêu hóa, có hình chữ J nối liền thực quản với phần đầu ruột non. Dạ dày chứa và tiêu hóa thức ăn, quá trình tiêu hóa ở dạ dày được thực hiện nhờ 2 hoạt động: co bóp cơ học và tiết dịch vị.

Dạ dày 1

Sự tiết dịch vị và co bóp của cơ thành dạ dày chịu sự điều khiển của hệ thần kinh tự động và các hormon trong ống tiêu hóa. Trước và trong khi ăn, hình ảnh, suy nghĩ, mùi và vị của thức ăn khiến hệ thần kinh truyền tín hiệu đến dạ dày kích thích nhu động và tiết dịch vị chuẩn bị cho hoạt động tiêu hóa.

Dịch vị dạ dày có bản chất là acid HCl và pepsin – một enzym tiêu hóa giúp phân cắt protein. Thức ăn trộn lẫn với nước bọt thành các viên nhỏ sau khi nuốt xuống dạ dày sẽ được nhào trộn, phân cắt về mặt vật lý và hóa học trong khoảng 3 giờ để tạo thành một chất lỏng gọi là nhũ trấp. Nhũ trấp được phóng thích dần xuống tá tràng (đoạn đầu ruột non) dưới dạng các tia nhỏ để tiếp tục được tiêu hóa bởi dịch mật và dịch tụy.

Tá tràng

Tá tràng là đoạn đầu ruột non, có hình chữ C nối tiếp ngay sau dạ dày. Tá tràng tiếp nhận thức ăn dưới dạng dịch lỏng gọi là nhũ trấp từ dạ dày đưa xuống.

Tại tá tràng, dịch mật và dịch tụy đổ vào sẽ tiêu hóa tiếp thức ăn, biến đổi các phân tử chất béo, carbohydrat và protein thành các cấu phần nhỏ hơn như acid amin, acid béo, đường đôi… tạo điều kiện cho quá trình tiêu hóa và hấp thu xảy ra tại các đoạn sau của ruột non.

Tá tràng 1

Vị trí của dạ dày và tá tràng

Vì sao lại bị loét dạ dày tá tràng?

Với vai trò tiêu hóa thức ăn, dạ dày và tá tràng thường xuyên tiếp xúc với dịch vị chứa HCl và pepsin – có bản chất phá hủy cấu trúc vật lý và hóa học của các chất mà chúng tiếp xúc. Để tự bảo vệ mình khỏi các yếu tố phá hủy này, dạ dày và tá tràng cần có các yếu tố bảo vệ.

Cơ chế bảo vệ của dạ dày – tá tràng bao gồm chất nhầy, bicarbonat, niêm mạc dạ dày. Loét dạ dày – tá tràng xảy ra khi mất cân bằng giữa các yếu tố tấn công và yếu tố bảo vệ, lúc này H+ và pepsin tấn công gây viêm trợt, loét dạ dày – tá tràng, có thể tổn thương xuống đến lớp cơ, thậm chí là lớp thanh mạc.

Các nguyên nhân gây loét phổ biến bao gồm Helicobacter pylori, NSAIDs và stress. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ như rượu bia, thuốc lá,… làm tăng khả năng mắc bệnh.

Vì sao lại bị loét dạ dày tá tràng? 1

Mất cân bằng giữa yếu tố tấn công và yếu tố bảo vệ gây viêm loét dạ dày – tá tràng

Nguyên nhân gây loét dạ dày – tá tràng

Helicobacter pylori

Helocobacter pylori (viết tắt là Hp) là một loại xoắn khuẩn gram âm sống trong lớp nhày trên bề mặt niêm mạc dạ dày. Chúng lưu hành khá phổ biến ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào khu vực địa lý.

Helicobacter pylori 1

Có trên 50% dân số có Hp sinh sống trong dạ dày nhưng chỉ khoảng 10%-20% phát triển thành viêm loét dạ dày – tá tràng. Hp sinh sống lâu trong dạ dày, đã hình thành cơ chế thích nghi để tránh được cơ chế bảo vệ của cơ thể.

Các vi khuẩn khác thường bị tiêu diệt bởi pH 1-2 trong dạ dày, nhưng Hp tự sản sinh được chất bảo vệ bao quanh nên không bị tiêu diệt. Chúng cũng tự sản sinh ra các enzyme như urease, protease, lipase, … gây tổn thương lớp nhầy bảo vệ dạ dày – tá tràng.

Khi lớp nhầy bị tổn thương, thay đổi cấu trúc do Hp, các yếu tố tấn công tại dạ dày là H+, pepsin dễ dàng xâm nhập qua lớp nhầy để tấn công xuống niêm mạc gây tổn thương viêm trợt, loét. Hp gây tổn thương loét tá tràng nhiều hơn loét dạ dày. Chúng được chẩn đoán bằng cách xét nghiệm mô bệnh học sau khi nội soi, ngoài ra có thể test thở urease, xét nghiệm máu tìm kháng thể,… nhưng ít đặc hiệu hơn.

Bệnh nhân bị loét dạ dày – tá tràng do Hp được điều trị theo phác đồ diệt Hp sau trong 10-14 ngày.

NSAIDs

NSAISs là tên viết tắt của Nonsteroidal anti-inflammatory drugs, một nhóm các thuốc giảm đau hạ sốt chống viêm không có cấu trúc steroid, để phân biệt với các thuốc chống viêm steroid (như dexamethason chẳng hạn).

NSAIDs là một nhóm bao gồm ít nhất 20 chất có cấu trúc hóa học khác nhau nhưng có cách thức tác động giống nhau. Chúng được sử dụng một cách rộng rãi và có nhiều chế phẩm không cần kê đơn dùng để giảm đau, hạ sốt, chống viêm.

Các NSAIDs như indomethacin, diclofenac, meloxicam, piroxicam  được dùng phổ biến trên lâm sàng cho các bệnh nhân gặp vấn đề về xương khớp như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, gout,… NSAIDs cũng có mặt trong các chế phẩm bôi/dán ngoài da với công dụng giảm đau như Voltaren, salonpas. Aspirin – một loại NSAIDs hiện được kê đơn cho bệnh nhân để dự phòng biến cố tim mạch cũng là một trong các nguyên nhân gây loét phổ biến mặc dù được dùng ở liều thấp.

Có khoảng 15-30% bệnh nhân dùng NSAIDs dài ngày được phát hiện có viêm loét dạ dày – tá tràng khi nội soi nhưng thường không có triệu chứng. Nhóm thuốc này làm giảm khả năng bảo vệ của lớp chất nhầy, tạo điều kiện cho H+ và pepsin tấn công gây tổn hại niêm mạc dạ dày.

Các bệnh nhân loét do NSAIDs được cân nhắc dừng thuốc hoặc đổi sang loại thuốc khác trong nhóm nhưng có nguy cơ gây loét thấp hơn, đồng thời vẫn điều trị các thuốc khác theo phác đồ điều trị loét dạ dày – tá tràng cơ bản.

Stress

Stress làm thay đổi phân phối máu trong cơ thể, giảm cơ chế bảo vệ tại dạ dày – tá tràng và có khả năng gây loét dạ dày – tá tràng theo kiểu cấp tính, tổn thương loét gây ra do stress thường nông, nhiều vết loét xảy ra trên bề mặt.

Tổn thương loét có thể xảy ra sau các stress nặng như bỏng, shock nhiễm khuẩn, đa chấn thương… Vết loét trong stress nông và dễ lành, bệnh nhân được điều trị nhằm tránh các rối loạn đông máu, xuất huyết và phòng tái loét.

Triệu chứng thường gặp

Triệu chứng của loét dạ dày tá tràng khá đa dạng (từ đau nhẹ thượng vị cho đến đe dọa tính mạng khi gặp biến chứng thủng dạ dày):

  • Đau thượng vị, nóng rát hoặc nhói đau nhẹ, đau thường liên quan đến bữa ăn, có tính chất theo chu kỳ, hay tái phát.
  • Bụng đầy hơi, khó chịu
  • Có thể gặp ợ nóng, ợ chua
  • Nôn, buồn nôn, chán ăn, có thể sút cân.

Triệu chứng thường gặp 1

Các triệu chứng thường gặp trong loét dạ dày – tá tràng

Triệu chứng của loét dạ dày – tá tràng không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác tại hệ tiêu hóa. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị loét dạ dày – tá tràng mà không có bất cứ triệu chứng nào trên lâm sàng (còn gọi là loét câm).

Biến chứng

Loét dạ dày – tá tràng có thể gây ra các biến chứng như:

Hẹp môn vị dạ dày:

Môn vị là đoạn cuối của dạ dày, tiếp giáp với hành tá tràng. Thông thường, thức ăn lưu trong dạ dày khoảng 2-3 tiếng, sau khi đã tiêu hóa và hòa trộn cùng với dịch vị tạo thành nhũ trấp có dạng lỏng, môn vị sẽ phóng thích chúng vào tá tràng thành từng đợt để tiếp tục tiêu hóa.

Hẹp môn vị cản trở quá trình thức ăn đi từ dạ dày xuống tá tràng, gây ứ trệ thức ăn tại dạ dày, bệnh nhân thường xuyên bị tức bụng, khó chịu, buồn nôn và nôn, có thể nôn ra thức ăn cũ. Nếu hẹp môn vị nặng có thể làm định trệ hoàn toàn quá trình tiêu hóa gây rối loạn nước – điện giải, bệnh nhân suy kiệt do không được nuôi dưỡng. Điều trị hẹp môn vị dạ dày chủ yếu thông qua can thiệp ngoại khoa.

Xuất huyết dạ dày:

Là biến chứng nguy hiểm của loét dạ dày – tá tràng với các biểu hiện đặc trưng như nôn ra máu tươi, đi ngoài phân đen. Bệnh nhân mất máu nhiều có thể choáng ngất, shock giảm thể tích tuẩn hoàn cần được cấp cứu cầm máu và bồi phụ thể tích tuần hoàn.

Thủng ổ loét:

Biến chứng nặng nề và trầm trọng của bệnh loét dạ dày – tá tràng. Bệnh nhân đau đột ngột và dữ dội như dao đâm vùng thượng vị. Lỗ thủng gây tràn dịch toan ra phúc mạc dẫn đến bỏng phúc mạc, bệnh nhân đau dữ dội và liên tục, thường phải nằm gập người cho đỡ đau, không dám thở mạnh. Thủng ổ loét gây đe dọa tính mạng người bệnh và cần được xử trí kịp thời.

Ung thư dạ dày:

Loét dạ dày – tá tràng tiến triển thành ung thư dạ dày là hiếm gặp, tuy nhiên Helicobacter pylori là yếu tố nguy cơ của bệnh.

☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Viêm loét dạ dày có chữa khỏi được không?

Điều trị loét dạ dày tá tràng như thế nào?

Loét dạ dày – tá tràng xảy ra khi mất cân bằng giữa yếu tố tấn công và các yếu tố bảo vệ do loét. Vì vậy việc điều trị cũng tuân theo các nguyên tắc cơ bản là tăng cường bảo vệ, giảm yếu tố tấn công và loại trừ nguyên nhân gây loét (nếu có).

Mục tiêu điều trị trong loét dạ dày – tá tràng:

  • Giảm đau do loét
  • Làm lành vết loét
  • Ngăn tái loét
  • Hạn chế biến chứng.

Phác đồ điều trị loét dạ dày tá tràng phụ thuộc nguyên nhân gây loét, tình trạng loét và nguy cơ biến chứng do loét

Các nhóm thuốc thường sử dụng trong điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng bao gồm:

  • Thuốc ức chế tiết acid: nhóm thuốc ức chế bơm proton (viết tắt là PPI) như esomeprazol, pantoprazol, omeprazol,… thường được lựa chọn đầu tiên. Ngoài ra có thể lựa chọn thuốc kháng histamin H2 như cimetidin, ranitidin… Các thuốc này đều có vai trò ức chế tiết acid tại dạ dày, làm giảm tính acid trong dịch vị, giảm yếu tố tấn công đến niêm mạc dạ dày.
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: các thuốc bao vết loét, bảo vệ niêm mạc dạ dày được sử dụng phổ biến như bismuth, sucralfat, misprostol, …
  • Antacid: các thuốc như Maalox, phosphalugel có bản chất kiềm, giúp trực tiếp trung hòa acid dạ dày được dùng để làm dịu cơn đau do tăng tiết acid trong bữa ăn, hoặc dùng ngay khi cơn đau xuất hiện.
  • Kháng sinh diệt Hp: dùng phác đồ diệt Hp 3 thuốc hoặc 4 thuốc theo chỉ định của bác sỹ. Bệnh nhân cần chú ý dùng đủ liều, hết liệu trình để tránh tình trạng vi khuẩn kháng thuốc.

Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị, bệnh nhân loét do NSAIDs cần được chú ý cân nhắc dừng NSAIDs hoặc chuyển sang các NSAIDs ức chế chọn lọc COX-2.

☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Viêm loét dạ dày uống thuốc gì ?

Loét dạ dày – tá tràng nên ăn gì, kiêng gì?

Bệnh nhân loét dạ dày – tá tràng cần đặc biệt chú ý chế độ ăn uống, sinh hoạt vì các yếu tố này dễ gây ảnh hưởng đến việc biểu hiện triệu chứng và nguy cơ tái phát bệnh.

  • Kiêng đồ ăn chua, cay, nóng.
  • Ăn tăng cường rau xanh, chất xơ.
  • Nên ăn các loại thực phẩm giúp kích thích tiêu hóa, chất xơ, gừng, nghệ, yến mạch, ngũ cốc, bánh mì,…
  • Tránh các thực phẩm khó tiêu, đồ uống có ga, bia rượu, thuốc lá, cà phê,…
  • Sinh hoạt điều độ, tránh căng thẳng stress.

☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Viêm loét dạ dày nên ăn gì, kiêng gì cho nhanh khỏi?

Cập nhật lúc: 17/04/2024

Bài viết mới nhất

Loading...